Đế chế La Mã
Được đánh giá như một trong những đế chế hùng mạnh nhất lịch sử, thế nhưng đế chế La Mã lại chỉ xếp thứ 10 trong top 10 đế chế có lãnh thổ rộng lớn nhất mọi thời đại, đó là nếu không tính Đế quốc Nhật Bản (do thời gian chiếm được vùng lãnh thổ rộng lớn chỉ diễn ra ngắn ngủi trong thế chiến 2). Thế nhưng, điều không thể chối cãi rằng đế chế La Mã vẫn là một đại đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ, đã độc tôn quyền lực ở toàn Châu Âu và Địa Trung Hải.
Người La Mã khởi đầu từ thành Rome, với sự hình thành của Vương quốc La Mã cổ đại. Do địa thế độc lập giữa Địa Trung Hải, lại có ít tài nguyên khoáng sản, và được Hy Lạp làm tấm lá chắn khỏi đế chế Ba Tư, La Mã tránh được chiến tranh và ổn định trong thời gian dài, trước khi Cộng hòa La Mã nổi lên và bắt đầu bành trướng thế lực. Dưới thời kỳ Cộng hòa, La Mã đã giành được chiến thắng quan trọng trước Vương quốc Carthage và đặc biệt là Vương quốc Macedonia. Lúc này, Cộng hòa La Mã đã làm chủ được vùng đất rộng lớn quanh Địa Trung Hải, bao gồm cả Hy Lạp và Ai Cập.
Vào thế kỷ thứ 1, Julius Caesar giành chiến thắng trước Pompey, lên ngôi hoàng đế, tự phong danh hiệu hoàng đế trọn đời. Đây là nền tảng khép lại thời kỳ cộng hòa, mở ra thời kỳ đế chế. Sau khi Julius Caesar bị ám sát bởi Viện nguyên lão, cháu của Julius là Augustus - người được Julius nhường ngôi hợp pháp, đã trở về Rome giành quyền lực. Ông thành công, lên ngôi hoàng đế, đồng thời đánh bại Marcus Antonius để khép lại thời kỳ tam đầu chế, trở thành nhà vua độc nhất, xóa bỏ thời kỳ cộng hòa, mở ra thời kỳ đế chế.
Dưới thời kỳ đế chế La Mã kéo dài suốt gần 500 năm, La Mã đã liên tục mở rộng lãnh thổ. Ở phía tây, phần lớn lãnh thổ Châu Âu, bao gồm Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một phần lãnh thổ Anh, Đức cũng trở thành thuộc địa đế chế La Mã. Ở phía đông, đế chế La Mã mở rộng sang tận khu vực Tiểu Á, đến tận Jerusalem - thủ đô tranh chấp của Israel và Palestine ngày nay. Ở phía nam, đế chế La Mã kéo dài dọc ven Vịnh Trung Hải, bao gồm Ai Cập, Carthage...
Sau thời kỳ thống nhất kéo dài, đế chế La Mã nhiều lần bị phân chia thành tứ đầu chế, với 4 vị vua phân chia lãnh thổ cùng cai quản. Dù phân chia, đây vẫn là đế chế La Mã thống nhất. Hệ thống tứ đầu chế bị phá vỡ khi Constantine Đại Đế - con trai của 1 trong tứ đầu chế, đã thống nhất đế chế. Ngai vị lại độc tôn thuộc về Constantine Đại Đế. Dưới thời của Constantine Đại Đế, đế chế La Mã đã thay đổi mạnh mẽ, đáng chú ý nhất chính là việc cải đạo sang công giáo. Công giáo, hay còn gọi là Thiên Chúa giáo, là đạo do Jesus Christ - nhà truyền đạo gốc Do Thái, truyền đi. Jesus đã bị người La Mã ép vào tội tà đạo, chống lại tôn giáo La Mã (gần như thần thoại Hy Lạp), nhưng dưới thời Constantine Đại Đế, ông đã cải đạo đế chế La Mã sang công giáo. Constantine Đại Đế đồng thời rời đô về phía đông, đến thành phố Constantinopolis, ngày nay là thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế nhưng việc rời đô chính là nền tảng để đế chế La Mã sụp đổ, phân chia thành đế chế Đông La Mã và đế chế Tây La Mã. Đế chế Đông La Mã (Byzantine) là miền đất phía đông, nơi có thủ đô Constantinopolis còn Đế chế Tây La Mã là miền đất phía tây, nơi sở hữu châu Âu và cố đô Rome. Đế chế Tây La Mã sớm sụp đổ bởi sự nổi dậy của người Gaul và German, phân chia thành các nước Châu Âu tồn tại tới hiện nay như Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... Còn đế chế Đông La Mã (Byzantine) tiếp tục tồn tại đến tận năm 1453, và cuối cùng bị đế chế Ottoman chinh phục.
Như vậy, nếu chỉ tính thời kỳ đế chế La Mã thống nhất thì đế chế này tồn tại gần 500 năm; nhưng nếu tính tổng thời gian, từ khi Vương quốc La Mã, rồi Cộng hòa La Mã và đến tận khi đế chế Đông La Mã hoàn toàn sụp đổ, thì La Mã tồn tại hơn 2300 năm.
Thông tin chi tiết:
- Tên tiếng Anh: Roman Empire
- Thời gian: 27 TCN-476 SCN
- Khu vực địa lý: Nam Âu (Italy, Hy Lạp, Tây Ban nha, Bồ Đào Nha...), Tây Âu (Pháp, Anh, Đức...), Tây Á (Israel, Armenia, Syria...), Bắc Phi (Ai Cập...)
- Diện tích: 5 triệu km2