Top 12 Đặc sản Quảng Ninh làm say lòng du khách
Nếu đã một lần ghé thăm Quảng Ninh, đừng quên thưởng thức những món ăn nổi tiếng nơi đây nhé. Chắc chắn rằng sự hòa quyện của ẩm thực rừng và biển của Quảng ... xem thêm...Ninh sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm hết sức thú vị. Hãy cùng Topist tìm hiểu về những món đặc sản làm say đắm lòng người của vùng đất mỏ bạn nhé!
-
Cà sáy và gà Tiên Yên
Cà sáy là một giống vịt lai ngan được nuôi phổ biến tại thị trấn Tiên Yên. Do được tạo ra từ hai loại gia cầm nên món cà sáy mang nhiều những ưu điểm vượt trội hơn đó là thịt cà sáy Tiên Yên vừa chắc, vị thịt vừa đậm và không tanh. Cà sáy được chế biến thành nhiều món, phổ biến nhất là luộc, nướng, nấu cháo…Cà sáy khô hay cà sáy nướng đều béo ngậy nhờ lớp da dày, vàng óng, sần sật ngon miệng, nhưng phần thịt lại chắc ngọt, không quá dai, không quá bở, món ngon này có thể ăn chơi hoặc ăn với cơm gạo nếp thơm.
Cà sáy Tiên Yên Hạ Long luộc nguyên con là món khoái khẩu của nhiều người. Cà sáy sau khi luộc được chặt thành từng miếng hoặc tự tay xé chấm nước mắm gừng thật thơm. Nước mắm được sử dụng như một dư vị đậm đà muối biển mặn mòi, hòa quyện với cái thơm cay nồng dịu của gừng quê. Chính vị cay dìu dịu của gừng, lại vị nồng nàn của nước mắm Cái Rồng, tất cả đã làm nên món cà sáy mang hương vị độc đáo không nơi nào có được.
Tới với Tiên Yên chắc các bạn sẽ được nghe cậu ngạn ngữ “lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên” câu ngạn ngữ trên giúp khách du lịch có thể đoán biết được độ ngon cũng như nổi tiếng của gà Tiên Yên. Gà Tiên Yên là một giống gà địa phương, được nuôi và chăn thả trên các triền đồi, núi. Ở đây chúng tự do kiếm ăn các thức ăn từ côn trùng, dế, kiến… tối lại leo lên cây ngủ. Được chăn thả một cách tự nhiên nên gà Tiên Yên nơi đây có vị không nơi nào sánh được. Do được chăn thả tự nhiên, thưởng thức các sản phẩm của trời đất nên món gà ở đây vô cùng săn chắc nhưng không dai, bên cạnh đó nó cũng có vị ngọt, béo.
Một điều thú vị nữa của món đặc sản Quảng Ninh mà không nơi nào trên nước ta có được. Đó là gà mái có một túm lông nhỏ dưới mỏ. Cũng bởi đặc điểm này mà giống g nơi đây còn được gọi với cái tên khác là “gà râu dài” cũng bởi vậy mà mặc dù cách Yên Tử khá xa nhưng có rất nhiêu khách du lịch của tour du lịch Yên Tử vẫn sẵn sàng tới mảnh đất Tiên Yên để thưởng thức món ăn này. Gà Tiên Yên được chế biến thành nhiều món ăn khách nhau: luộc, chiên, rán, hấp lá chanh…
-
Chả mực Hạ Long
Chả mực xuất hiện từ năm 1946 từ bàn tay tài hoa của cụ Tài Lễ, đầu bếp của một nhà hàng nước ngoài thời kỳ Pháp thuộc sáng tạo ra và lưu truyền đến tận ngày nay. Trong suốt những năm tháng tồn tại và lưu truyền, chả mực đã trở thành một món ăn truyền thống đậm đà hương vị được người dân trong vùng yêu thích, “rỉ tai” nhau cho đến ngày nay. Theo sự phát triển của ngành du lịch tại địa bàn tỉnh, chả mực Hạ Long nay đã trở thành một trong những món ăn đặc sản của Hạ Long trong mắt bạn bè cả nước cũng như quốc tế.
Chả mực Hạ Long ngon một cách đặc biệt, so với chả ở nhiều nơi khác lại có nét đặc trưng riêng không nơi nào có được. Điều này xuất phát từ nguyên liệu chính làm ra món ăn - một loại mực mai sống trong vùng nước Hạ Long. Người dân ở đây nói rằng chỉ có mực sống trong vùng nước Hạ Long mới ngọt thịt, dai ngon như vậy, những vùng khác dù ở đâu cũng không thể sánh bằng. Có lẽ vì lý do này mà món chả mực Hạ Long lại có thể tồn tại và nổi tiếng lâu đến vậy.
Để làm ra được món chả mực thơm ngon người chế biến phải tuyển chọn nguyên liệu thật kỹ lưỡng. Mực mai phải còn tươi sống, những chấm nhỏ trên thân vẫn còn chuyển động, thịt dày, gan vàng, mắt đen. Việc lựa chọn này không hề dễ dàng và để có được những kỹ năng này đòi người làm phải có thời gian dài “đứng bếp”, càng có nhiều năm kinh nghiệm, món ăn càng hoàn hảo về chất lượng.
Chả mực ăn ngon nhất lúc còn nóng, khách du lịch đến đây thường mua ăn ngay tại lò, sau đó mua thêm để dành hay đem về làm quà biếu bạn bè, người thân. Người dân ở đây thường dùng chả kèm với xôi trắng dẻo và bánh cuốn chấm với nước mắm rất ngon và lạ miệng. Chắc hẳn không mấy ai xa lạ với đặc sản trứ danh vùng biển này rồi, mỗi dịp ghé qua thành phố biển Hạ Long nhỏ xinh đừng quên thưởng thức và mua về làm quà cho người thân, bạn bè bạn nhé.
-
Sá sùng Quan Lạn Quảng Ninh
Sá sùng hay còn gọi là con trùn biển có nơi gọi là sa sùng, sâu đất, địa sâm, con cạp đất… Ở Việt Nam, Quảng Ninh (nhất là huyện Vân Đồn) là vùng biển đặc biệt có nhiều sá sùng. Con sá sùng màu nâu đỏ, có hình dạng giống con giun đất, trên thân có những sợi vân nhỏ li ti nhưng kích thước lớn hơn và ruột chứa toàn cát. Sá sùng biển được xem như địa sâm với công dụng bồi bổ sức khỏe vô cùng công hiệu.
Sá sùng có lượng đạm khá cao, chứa nhiều acid amin quý và các khoáng chất nên là thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng. Sá sùng chứa tới 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin. Đặc biệt trong đó có 8 loại không thể thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người.
Món ăn được xếp vào hàng "cao lương mỹ vị" này ở đảo Quan Lạn là ngon nhất. Món ăn bổ dưỡng này có công dụng bổ dưỡng phần âm và giải nhiệt, làm mát phổi và cải thiện công năng tỳ vị, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nóng bốc ở tầng sâu bên trong hay sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm (thường có ở bệnh lao phổi, lao xương khớp)...hàng tá những lợi ích chữa bệnh khác.
Món ăn đắt ngang với vàng này luôn được các quý ông săn tìm, vì thế dù có đắt cũng rất đáng đồng tiền, bát gạo. Cách chế biến cũng rất công phu, phải lộn sạch ruột để món ăn không bị sạn. Sá sùng tươi xào cần tây có vị ngọt, dai giòn, nhưng ngon nhất có lẽ là sái sùng chiên, hương vị rất đậm đà, khó cưỡng. Đây cũng là một trong những món ăn thường xuất hiện ở các đám, cỗ của Quảng Ninh.
-
Hàu sú Móng Cái
Món hàu Móng Cái được du khách yêu thích nhất là hàu sống. Hàu rửa sạch dưới vòi nước để hết đất cát, tách đôi vỏ bày lên đĩa cùng chanh tươi, mù mạt, tương ớt... Khi ăn, thực khách vắt chanh tươi lên miếng thịt hàu cho tái đi. Thịt hàu ngọt, béo căng mọng kèm với vị chua cay nồng thật khoái khẩu. Cách này tưởng như khó ăn nhưng lại luôn được những người sành ăn ưa chuộng. Tuy vậy, chỉ có người "bụng dạ" tốt, và phải chọn loại hàu thật tươi mới có thể ăn theo cách này. Cũng là chế biến đơn giản, nhưng hàu nướng lại có hương vị khác.
Hàu lật trên bếp than hồng, vừa chín tới và hơi đượm vị khói, chấm muối kèm chanh ớt. Tuyệt nhất là khi vừa nướng vừa ăn, chậm rãi chờ đợi, nghe tiếng nước trong vỏ hàu sôi xèo xèo rất thú vị. Để đổi vị, cũng là nướng còn có hàu nướng mỡ hành hơi hăng hăng mà béo ngậy, trên miếng vỏ hàu bày hành hoa xanh ngắt, hành khô vàng ruộm, ít tóp mỡ thái nhỏ xíu vuông vức phủ lên thịt hàu thật thích mắt.
Hàu hấp đa dạng hơn một chút, có hấp sả, hấp lá lốt hoặc hấp gừng... Sả hay gừng đập dập, lá lốt thái nhỏ cho vào nồi hấp ướp vị vào từng con. Ăn mỗi miếng hàu lại thoảng hương vị của từng gia vị đi kèm, cũng có cái thú riêng. Tuy nhiên, đấy là cách ăn hàu ở những quán nhậu đông thực khách, những quán ăn ven biển vốn rất phổ biến ở Hạ Long và Móng Cái. Ở đó, người ta thích ăn lai rai nên chuộng chế biến giản dị, vừa làm vừa ăn.Còn trong nhà hàng, những đầu bếp lại khéo léo hơn trong chế biến, tạo ra những món hàu ngon và lạ theo nhiều cách khác. Khi đã no nê mà vẫn còn thòm thèm món hàu trứ danh này, bạn có thể kết tiệc bằng món canh chua hàu, kết hợp vị ngon của thịt hàu với thứ nước ngọt ngào đậm đà lạ miệng. Hoặc bát cháo hàu, dù ăn nóng mà vẫn thấy hương vị của biển cả mát lành và thanh khiết. Có dịp về với Móng Cái, bạn đừng quên thưởng thức bát cháo hàu hay những món ngon khác từ hàu nhé!
-
Bún bề bề
Là một trong những món ăn đặc sản của thương hiệu ẩm thực Hạ Long. Bún bề bề là một món ăn mà du khách nhất định phải thử khi đến vùng đất này. Không như sá sùng khô hay sam biển, món ăn này khá phổ biến với hương vị đực trưng tuyệt vời. Nhìn bề ngoài nó có vẻ giống tôm nhưng nhiều chân hơn. Bề bề thường sống vùi thân mình trong cát hoặc các kẽ đá, chúng sống bằng việc ăn các động vậy nhỏ hơn thậm chí cả cá, bề bề dùng càng giữa để bắt giữ con mồi. Chất lượng bề bề được biết đến với độ thơm ngon và dinh dưỡng rất tốt.
Thịt bề bề có chứa nhiều chất dinh dưỡng như Vitamin A, Vitamin B1, Chất sắt, hàm lượng Omega 3 và Omega 6 tốt cho hệ miễn dịch. Món ăn từ bề bề có rất nhiều như bún bề bề, rang muối, hấp xả, luộc, xào, nấu canh. Bề bề hay còn gọi là tôm tít, thịt chắc, thơm, ngọt giàu dinh dưỡng. Thịt bề bề rất chắc thịt với độ thơm ngon, đượm vị vịnh biển và giàu dinh dưỡng. Nhưng với lớp vỏ dày nên khi lấy thịt bề bề khá là khó. Nhiều du khách có sở thích ăn bề bề lại ngại vì lớp vỏ của nó. Chính vì vậy món bề bề được biến tấu sáng tạo dễ dàng chinh phục khách hàng bởi bát bún bề bề đã được lột vỏ sẵn.
Bún bề bề Hạ Long nức tiếng bởi cách chế biến khá đặc biệt, bề bề luôn chọn những con tươi nhất vừa mới đánh bắt được. Loại tôm tít này rất đặc biệt bởi khi bị ươn thịt sẽ bị vỡ hết, không gỡ được, vì vậy để có được tô bún ngon chủ quán phải chọn lựa kỹ càng. Món bún hải sản này làm vừa lòng cả những thực khách khó tính nhất, thanh ngọt không ngấy, đã ăn một lần nhất định sẽ nhớ hương vị, muốn quay lại thưởng thức. Từ công thức chế biến bí truyền đã mang lại những hương vị đặc biệt riêng.
Bún bề bề là bữa sáng ngon miệng dành cho người không vội vã. Còn gì thích hợp một buổi sáng dạo quanh những con đường bao biển, hít hà chút gió biển cùng chút nắng. Rồi ghé vào một quán ăn sáng trong lòng phố, thưởng thức bát bún bề bề. Từ hương vị thơm ngon đặc trưng riêng của nước canh. Cũng như độ tươi ngon của bề bề chẳng thể để mang đi xa. Trừ khi bóc nõn đông lạnh thì bớt đến 7, 8 phần ngon. Vậy nên, bạn đừng quên dành cho mình một cơ hội thưởng thức bún bề bề tươi rói đặc sản Hạ Long nhé!
-
Sam Quảng Yên
Sam là một loài hải sản họ cua, có vỏ cứng và thường sống thành từng cặp, con đực bám trên lưng con cái cho nên dân gian thường có câu “dính nhau như sam” là vì thế. Tuy nhiên, hay ở chỗ, khi bắt sam người ta cũng bắt theo đôi, con sam mà đi lẻ thường được gọi là con so, ăn vào dễ bị ngộ độc do độc tính cao.
Sam biển là loại hải sản chỉ sống trong tự nhiên, chưa nuôi trồng được, khi đánh bắt lên bờ chỉ sống được không quá ba ngày. Đây cũng là một thử thách đối với những người làm nghề đánh bắt, kinh doanh sam. Để thưởng thức các món ăn từ sam thì không thể không nhắc tới sam Quảng Yên. Sam biển ở đây không chỉ nổi tiếng về giống sam to, thịt chắc mà khâu chế biến cũng rất kỳ công, có phần khác lạ so với những nơi khác
Trước đây, sam không được nhiều người chú ý nhiều như cù kỳ, mực nhưng hiện nay, sam đã trở thành một món ăn vô cùng hấp dẫn. Sam chỉ sống được trong điều kiện tự nhiên không nhân tạo, vậy nên, sam biển càng trở lên quý hiếm. Thơm, ngon, đậm vị biển là những tính từ dành cho sam biển. Tuy nhiên, người đầu bếp phải vô cùng cẩn thận trong chế biến, nếu không sẽ vẫn còn độc và cực kỳ nguy hiểm.
Món ăn từ sắm như tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, xào sả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt, sam hấp, sam tẩm bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến... Sam có tính lạnh nên ăn kèm với những gia vị nóng sẽ tăng vị đậm đà của món ăn. Thịt sam chứa nhiều dưỡng chất bổ dưỡng cho thể, mang tính hàn nên khi ăn phải ăn kèm những gia vị nóng để không bị đầy hơi, trướng bụng. Khi làm cũng rất khéo léo loại bỏ ruột và gan của sam, vì nội tạng có tính độc. Món sam xào lá lốt là phổ biến, làm vừa lòng thực khách nhất, hương vị đậm đà khó tả.
-
Bún xào ngán Quảng Yên
Bún xào vốn là món ăn dân dã, nhưng khi kết hợp với ngán thì nó lại trở thành món ăn đặc sản. Bởi ngán là loại hải sản độc đáo, từ tên gọi đến giá trị dinh dưỡng. Trong ngán có đầy đủ các chất protid, glucid, lipid, nhiều vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Ngán được coi là thực phẩm mát, bổ và lành cho mọi lứa tuổi, được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ mạnh.
Để có món bún xào ngán thơm, ngon, bên cạnh hai nguyên liệu chính là bún và ngán thì cần thêm các nguyên liệu khác như mộc nhĩ, nấm hương, hành hoa, hành khô, hạt tiêu, dầu ăn, rau răm, gia vị... Món ăn này khá phổ biến ở vùng ven sông Chanh, vùng thị trấn Quảng Yên của huyện Yên Hưng Quảng Ninh. Những sợi bún trắng cùng gia vị nấm hương, mộc nhĩ xào cùng thịt ngán rất dậy mùi. Ngán là một loại nhuyễn thể sống ở vùng nước mặn và nước lợ, nếu ai không ăn quen thì có mùi hơi nồng rất đặc trưng. Ngán là loại hải sản có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe của nam giới. Món quà thơm thảo của biển được chế biến theo công thức này dễ ăn, ăn no bụng mà không hề thấy ngán như tên gọi của nó.
Trong tiết trời giá lạnh của mùa Đông, để làm mới khẩu vị bữa cơm thì món bún xào ngán là một lựa chọn đặc biệt cho mọi thành viên trong gia đình, vừa đảm bảo chất dinh dưỡng, vừa tăng thêm cảm giác ấm cúng của bữa ăn. Món bún xào ngán là thực đơn quan trọng, tạo ra một khoảng riêng trên mâm cỗ, không lẫn với bất cứ món ăn nào. Bún xào ngán cũng là một gợi ý hay trong bữa tiệc ngày Tết cho mọi nhà khi đón khách đến chơi. Bởi, dù không bắt mắt với màu sắc sặc sỡ mà chỉ giản đơn là màu trắng của bún lẫn cùng ngán đen, lại có thêm mộc nhĩ, nấm hương và hành lá cũng đều mang màu xanh, nâu, đen nhưng đã ăn một lần, người ta sẽ nhớ mãi món ngon với vị thơm nồng đặc trưng của ngán mà không phải món nào cũng có được… Đó là ấn tượng món ngon để mỗi lần nhớ đến Quảng Yên lại nhớ về hương vị biển vùng đất cửa sông.
-
Bánh mật (bánh tài lồng ệp)
Bánh tài lồng ệp là một trong những món cổ truyền của người Sán Dìu. Món bánh thơm dẻo này không chỉ là một thức quà ăn vặt, ăn chơi mà còn là thứ bánh để trên mâm cúng vào những dịp lễ tết của người dân Quảng Ninh. Cái tên nghe là lạ và khó nhớ chính là một điểm độc đáo của món bánh được làm từ bột gạo trộn với bột nếp cùng lạc rang và đường phên theo tỷ lệ nhất định.
Bánh tài lồng ệp có màu vàng nâu, trên mặt có lớp vừng lạc được rắc đều trông ngon miệng, bắt mắt. Nhìn bề ngoài tuy có vẻ đơn giản nhưng cách thức làm món bánh có cái tên lạ tai này lại khá cầu kỳ và phải qua nhiều công đoạn. Đây là thức ăn chơi đặc trưng của người dân Quảng Ninh vừa là thứ đồ cúng truyền thống ở đây, là món ăn cổ truyền của người dân tộc Sán Dìu Quảng Ninh mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Cái tên nghe rất lạ, đầy cuốn hút, khoanh bánh tròn tượng trưng cho trời đất thiêng liêng. Món ăn này đã trở thành đặc sản của đất mỏ, hương vị không quá ngọt để ngấy, mềm bên trên có rắc chút vừng ăn rất bùi. Có lẽ đã là người Quảng Ninh ít ai không biết đến món bánh đặc biệt này. Bánh tài lồng ệp ăn ngon nhất là lúc đã nguội, như thế sẽ không bị ngán, ăn lạ miệng và độ ngọt vừa phải. Nếu muốn đổi vị, nhiều người đem bánh rán đều hai mặt, khi thưởng thức sẽ cảm nhận được sự cộng hưởng của lớp ngoài giòn giòn thơm nức mùi nếp mới, bên trong dẻo mềm quyện vị cay của gừng, ngọt của đường phèn và bùi bùi của lạc, vừng. Loại bánh này bán nhiều ở các hàng quán gần chùa chiền hay ngay trong chợ địa phương ở khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn...
-
Thịt nhím Hoành Bồ
Nếu như Uông Bí có đặc sản là rượu mơ Yên Tử, Quảng Yên có hà treo dây, Tiên Yên có gà địa phương… thì Hoành Bồ có món thịt nhím nổi tiếng thơm ngon, bổ dưỡng. Tuy không phải là món ăn truyền thống của các dân tộc ở Hoành Bồ, nhưng thịt nhím lại là món ăn đặc biệt, tiêu biểu nhất ở huyện miền núi này.
Bởi vậy, với những ai đã đến nơi này mà chưa thưởng thức được các món ăn làm từ thịt nhím thì chưa thể gọi là đến Hoành Bồ. Hầu hết các nhà hàng, quán ăn đều có món thịt nhím với thực đơn phong phú lên đến mười mấy món ăn khác nhau, như nhím nhúng dầu, bít tết chảo gang, xào lăn, xốt vang… Nguyên liệu ướp thịt được đầu bếp tự tay chế biến theo công thức riêng biệt khiến cho các món ăn dậy lên hương vị thơm ngon đặc trưng.
Nhím là động vật hoang dã nay được nhân giống và nuôi làm thương phẩm. Thịt nhím có giá trị dinh dưỡng cao, thịt rất ngon, ít mỡ. Trong Đông y thì thịt nhím là vị thuốc có tác dụng rất lớn trong việc hỗ trợ điều trị tình trạng đau bao tử, giúp bạn ăn ngon hơn và cải thiện chức năng của hệ tiêu hoá. Đặc biệt, nó có khả năng tăng cường sinh lý của phái mạnh cực kỳ hiệu quả. Nhím ở Hoành Bồ được nuôi theo mô hình gia đình, món ngon nhất dễ làm nhất là xào lăn sả ớt, đặc sản của núi rừng mang hương vị rất đậm đà.
-
Nem chua, nem chạo Quảng Yên
Nem chua, nem chạo là những món ăn nhậu quen thuộc, nhưng hai loại món ăn này ở Quảng yên lại mang hương vị khá đặc biệt. Món nem chạo được làm khá đơn giản nhưng khâu quyết định có ngon hay không là ở nước chấm. Những chiếc nem được cuộn trong bánh đa nem ăn cùng với lá sung, rau muống chẻ, tía tô, diếp cá, kinh giới rồi chấm vào bát nước chấm chua, cây, mặn, ngọt tạo nên một món ăn tuyệt vời.
Những năm gần đây các hộ dân mới kinh doanh loại thực phẩm này, số lượng còn khá hạn chế, phương châm "làm ngon, làm sạch" như cho chính gia đình, người thân mình thưởng thức, an toàn vệ sinh đặt lên hàng đầu. Vì vậy đây cũng là món ăn được nhiều người yêu thích, là hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế du lịch của vùng.
Nem chua không chỉ là món quà quê mà còn làm cho du khách thập phương mỗi khi có dịp ghé qua Quảng Yên đều muốn mua về thưởng thức. Trải qua bề dày thời gian, món ăn này vẫn giữ được hương vị độc đáo vốn có của nó. Ở Quảng Yên, có rất nhiều nơi làm và bán nem chua truyền thống như nem bà Yên, nem cô Nụ, nem Huy Tùng…
Nhưng có lẽ, nem chua Huy Tùng được nhiều thực khách tìm tới bởi hương vị không lẫn vào đâu được. Đó là vị bùi, chua, lại có cả vị mặn vừa phải của gia vị và vị ngọt của thịt. Để có được những quả nem hoàn chỉnh, ăn vừa miệng, người làm nem phải thực hiện nhiều công đoạn, từ việc chọn nguyên liệu cho đến pha chế, gói, ủ nem. Tất cả công việc đó đòi hỏi phải có sự khéo léo và có những bí quyết nhất định.
-
Rượu mơ Yên Tử
Rượu mơ từ lâu đã trở thành đồ uống quen thuộc với người dân Việt Nam do có những tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Rượu mơ dễ uống, tính lành, có vị ngọt dịu và thơm mùi mơ nên rất phù hợp với khẩu vị của nhiều lứa tuổi. Do vậy, rượu mơ đã và đang trở thành một thức uống cho mọi gia đình.
Rượu mơ Yên Tử có nguồn gốc từ vùng đất di tích lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên nằm ở địa phận Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nơi đây được biết đến như là đất tổ của Phật giáo Việt Nam. Dường như sự linh thiêng và khí hậu mát mẻ làm cho cây Mơ trở nên khác biệt ở các vùng miền khác của tổ quốc. Rượu mơ Yên Tử luôn được biết đến với sản phẩm chỉ có tại vùng đất này. Đã từ lâu sản phẩm rượu mơ Yên Tử đích thực đã được người tiêu dùng đánh giá cao, như là một sản phầm truyền thống của người dân Quảng Ninh.
Rượu mơ Yên Tử là loại rượu thơm ngon mà nhiều du khách thập phương ưa chuộng. Những quả mơ tươi được chọn lọc kỹ, hấp thụ tinh hoa đất trời khí hậu mát mẻ ở vùng cao Yên Tử, được ủ cùng loại rượu ngon, đôi khi có cả mật ong, làm say cả hồn người. Rượu mơ này sẽ có tác dụng chữa các chứng ho, khó thở, hen suyễn, phù thũng, mát gan, trừ đờm, thanh nhiệt, bổ sung cho cơ thể nhiều vitamin C... khi uống ở mức điều độ. Rượu có nồng độ thấp, chua chua, ngọt ngọt nữ giới cũng có thể thưởng thức. Loại rượu uống là mê cũng không quá đắt, thích hợp cho việc mua biếu, hay lễ hỏi sang trọng. Rượu mơ chua chua, mùi thơm mật ong hòa quyện với nhau một cách tuyệt vời nhất, nam nữ đều uống được. Các em nhỏ cũng có thể sử dụng một chút khi bị ốm nhẹ, ho rát cổ cũng tốt lắm nha các bạn!
-
Bánh gật gù Tiên Yên
Quảng Ninh nổi tiếng với Vịnh Hạ Long, Yên Tử, đảo Cô Tô và ẩm thực ở đây thường được nhắc nhiều đến chả cá, tôm, cua, hải sản. Nhưng có lẽ món bánh với cái tên gật gù sẽ gây ấn tượng mạnh với bạn nếu có dịp ghé thăm Tiên Yên. Tiên Yên là một huyện lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời, với những địa danh đẹp, cũng là nơi cư trú dân tộc Dao, Tày, Sán Dìu với những nét cổ kính từ ngôi nhà, con đường thơ mộng bên dòng sông uốn lượn, được ví như phố cổ Hội An (Quảng Nam) xứ Bắc Kỳ. Ở nơi đây còn tạo ra nét đẹp từ ẩm thực, đơn giản nhưng gần gũi và đọng lại bản sắc ẩm thực để khám phá và thưởng lãm cho vãn khách.
Bánh gật gù được làm từ bột gạo có vẻ bề ngoài giống bánh cuốn, bánh phở. Công đoạn tạo ra mẻ bánh khá cầu kỳ. Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng hôm sau vớt ráo mới nghiền thành bột nước. Khá lạ ở chỗ trong lúc nghiền bột người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không so sánh được.
Bánh gật gù giống như bánh cuốn nhưng được cuộn chắc lại, bánh mộc không thêm bất cứ gia vị nào khác, chỉ khi ăn chấm với nước mắm ngon, chưng mỡ gà hành phi. Món ăn đơn giản nhưng khiến thực khách "mê tít" bởi bánh mềm hòa quyện cùng vị mắm chưng ăn được rất nhiều. Loại bánh này là món quà sáng thường thấy ở vùng đất Quảng Ninh quê tôi, dân dã, thanh đạm.
Người xưa truyền lại rằng, trước đây người dân Tiên Yên thường ăn sáng bằng bánh phở, nhưng không thích có nhân, mà thích vị đậm đà từ gạo xứ Tiên Yên, miếng bánh cuộn tròn, dẻo quẹo, gật lên gật xuống khi cầm tay quẹt một chút nước mắm chấm, mọi người tấm tắc khen ngon, ấy thế là bánh gật gù có tên từ đó. Ngày nay có nhiều nơi sử dụng máy nghiền bột gạo để bớt công đoạn xay cối đá bằng tay, nên bột bánh thiếu vị đậm đà vốn có của bột gạo. Để ăn miếng bánh ngon đúng vị cũng cần sự mày mò và khám phá.