Top 15 Món chè ngon nhất Việt Nam

Hương Merino 14118 1 Báo lỗi

Những món chè sau đây khiến người thưởng đã ăn một lần thì sẽ nhớ mãi hương vị. Nước Việt rộng, dài hãy cùng nhau đi dọc miền đất nước để khám phá ẩm thực ... xem thêm...

  1. Top 1

    Chè trôi nước

    Chè trôi nước được nấu vào ngày tết Hàn thực, những ngày rằm cúng đồ ăn chay ở chùa chiền. Chè trôi nước cho ta gợi nhớ đến câu thơ Hồ Xuân Hương năm nào: "thân em vừa trắng lại vừa tròn, bảy nổi ba chìm với nước non". Ngày nay chè trôi nước được biến tấu nguyên liệu vừa thơm ngon lại mang màu sắc rất đẹp, ví dụ chè trôi lá dứa, chè trôi khoai lang tím...Nhưng phổ biến nhất và vẫn được người ăn yêu thích nhất là chè trôi truyền thống, không cầu kỳ, nhiều công đoạn.


    Khéo léo bọc viên nhân vào trong vỏ bánh và vo tròn, đun sôi nước và thả vào, chè trôi thường ăn trong nước đường có gừng, ăn vừa thơm, vừa ngậy. Ngày nay bánh trôi nước có mặt khắp các phố phường, trở thành món ăn vặt phổ biến. Ở Hà Nội có một số quán chè trôi nổi tiếng ở phố Hàng Giầy, phố hàng Cân, phố Hàng Điếu...mỗi bát chè trôi có giá khoảng 12 nghìn đồng.


    Chuẩn bị:

    • 400gr bột nếp
    • 200gr đậu xanh cà đãi vỏ
    • 300gr đường
    • 50gr củ gừng
    • 3 củ hành tím băm nhuyễn
    • 1 ít mè rang


    Chế biến:

    • Bước 1: Ngâm đậu xanh trong nước khoảng 30 phút, rửa sạch và nấu chín (có thể dùng nồi cơm điện để nấu cho nhanh). Sau đó cà thật nhuyễn.
    • Bước 2: Phi thơm hành tím và cho đậu xanh cà nhuyễn vào xào nhanh tay khoảng 5 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn. Đợi đậu xanh nguội rồi vo thành từng viên tròn nhỏ, đường kính khoảng 2-3cm.
    • Bước 3: Pha 350 gram bột với 300ml nước sôi (chừa 50gr bột lại để làm lớp bột áo), để khoảng 20 phút cho bột nở. Ở bước này, nếu muốn vỏ bánh trôi nước có nhiều màu, bạn có thể dùng màu thực phẩm hoặc các màu tự nhiên như lá dứa (màu xanh lá), củ dền (màu đỏ)
    • Bước 4: Dùng tay nhồi bột và điều chỉnh lượng nước sao cho một dẻo, không dính tay, không vón cục là đạt yêu cầu.
    • Bước 5: Chia bột thành các viên nhỏ, to hơn viên đậu xanh một chút và cán bột thành miếng tròn đều, sử dụng 50 gram bột đã chừa lại phủ đều để bột không dính.
    • Bước 6: Cho viên đậu xanh vào giữa miếng bánh, bọc kín và vo tròn lại. Viên trôi nước đã thành hình!
    • Bước 7: Luộc trôi nước với nước thật sôi trong khoảng 10-15 phút, đến khi bột chuyển sang màu trắng trong là được.
    • Bước 8: Nấu 300 gram đường với 500 ml nước (hoặc điều chỉnh tùy theo khẩu vị của bạn), cho thêm gừng xắt lát vào, cuối cùng cho viên trôi nước vào, nấu thêm 15 phút nữa là có thể dọn ra, rắc thêm một ít mè rang và dùng ngay lúc nóng.
    Chè trôi nước gợi nhớ đến thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa
    Chè trôi nước gợi nhớ đến thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa
    Chè trôi nước

  2. Top 2

    Chè đậu ván

    Cách làm chè đậu ván rất dễ, chỉ cần luộc chín đậu, lột vỏ khuấy với bột năng và bỏ đường. Ở Huế món chè này rất nổi tiếng, ngày xưa thường được dùng tiến vua nhưng món chè này được làm cầu kỳ hơn, nấu với nước cốt dừa mang vị thơm của lá dứa, bùi ngọt của hạt đậu mềm.


    Chuẩn bị:

    • 250g đậu ván khô.
    • 1/2 kg dừa nạo; đường cát, 2 thìa canh bột năng, lá dứa.


    Chế biến:

    • Bước 1: Đậu ván ngâm mềm, luộc chín rồi đãi sạch vỏ. Sau đó đem đậu hấp chín mềm.
    • Bước 2: Nấu đường với nước lạnh, thêm một ít muối, lá dứa rửa sạch cho vào để có hương thơm. Bột năng pha loãng với khoảng 100ml nước lọc, cho vào nồi nước đường và khuấy đều. Sau cùng cho đậu ván vào, dùng vá gỗ khuấy nhẹ để đậu không bị nát.
    • Bước 3: Nêm lại vị ngọt tùy theo ý thích của bạn, cho vào một ống vani rồi tắt bếp.
    • Bước 4: Dừa nạo vắt lấy nước, cho vào nồi đun với lá dứa, sữa tươi, ít muối. Khuấy đều đến khi nước cốt dừa sôi thì tắt bếp. Múc chè đậu ván ra ly hoặc chén, chan lên một ít nước cốt dừa và dùng nóng.
    Chè đậu ván tiến vua
    Chè đậu ván tiến vua
    Chè đậu ván
  3. Top 3

    Chè đậu trắng

    Theo phong tục tập quán người Việt từ xa xưa, chè đậu trắng nước dừa là món ăn không thể thiếu trong dịp đầy tháng hay thôi nôi của em bé. Thưởng thức một bát chè trắng béo ngậy vị nước cốt dừa thì cảm nhận được cái tinh túy của ẩm thực Việt Nam. Những ngày chuẩn bị xuất hành khởi nghiệp làm ăn, người ta cũng thường làm món chè này để cúng. Nhưng ta phải lựa chọn hạt đậu thật kỹ, không đổ đường khi đậu còn cứng, sẽ khiến đậu bị sượng. Một chén chè đậu trắng nóng hổi chan nước cốt dừa thơm thơm béo béo vị vừng rang thì thật là tuyệt vời.


    Chuẩn bị:

    • Đậu trắng: 200 gram
    • Gạo nếp: 150 gram
    • Baking soda (muối nở): 1 thìa
    • Lá dứa: 1 cây
    • Đường phèn: 300 gram
    • Nước cốt dừa: 500ml
    • Vani: 2 ống
    • Muối: 1 muỗng
    • Nước cốt dừa: 300ml
    • Nước lọc: 100ml
    • Đường phèn: 1.5 thìa
    • Muối: 1/4 thìa
    • Bột năng: 2 thìa
    • Bột gạo: 2 thìa


    Chế biến:

    • Bước 1: Sơ chế và luộc đậu trắng. Vo sạch gạo nếp và để riêng, ngâm 3h cho mềm (không ngâm cũng được). Đậu trắng rửa sạch. Hòa tan 1 muỗng cafe baking soda trong chậu nước rồi ngâm đậu trắng 6 tiếng. Bắc nồi lên bếp và luộc đậu trắng với lửa nhỏ khoảng 40 phút hoặc hơn với 1/2 thìa muối để khi ăn đậu không bị nhạt, khi ăn thử thấy đậu chín mềm là được. Sau đó đổ đậu ra rổ và rửa lại với nước 1 lần.
    • Bước 2: Nấu nước cốt chè. Trước khi nấu nước cốt chè, bạn cho gạo nếp vào tô, lần lượt cho: 1/4 thìa muối, 500ml nước cốt dừa vào ngâm 15 phút. Để nấu nước cốt, bạn bắp nồi lên bếp. Sau đó cho 100ml nước cốt dừa vào, nếu nước cốt khá đặc thì nên cho thêm 100ml nước lọc vào cho vừa, 1.5 thìa đường, 1/4 thìa muối và khuấy đều. Trước khi đun, bạn múc vài thìa nước cốt này vào 1 bát nhỏ và hòa thêm 2 thìa bột năng + 2 thìa bột gạo. Bát nước bột năng này bạn sẽ cho vào nồi chè khi vừa nấu xong để tạo độ dẻo, sẽ sử dụng ở bước sau. Bắt đầu bật bếp ở mức lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đều khi thấy hỗn hợp hơi đặc và quyện lại thì tắt bếp, cho hỗn hợp ra bát. Đến đây, bạn đã có đậu xanh luộc chín ở bước 1, nước cốt dừa đã nấu ở bước này (bước 2) và 1 chén nhỏ hỗn hợp bột năng. Tiếp theo chúng ta sẽ tiến hành nấu chè đậu trắng.
    • Bước 3: Nấu chè đậu trắng. Ở cách nấu chè đậu trắng này chúng ta sẽ sắp xếp các nguyên liệu theo thứ tự như những hình bên dưới đây: Đậy vung, bật bếp đun sôi rồi hạ lửa ở mức thấp nhất. Nấu chè khoảng 60 phút, khi thấy gạo nếp chín, chuyển sang màu trong là được. Trong quá trình nấu không nên đảo hoặc khuấy.
    Món chè thường dùng trong các dịp cúng lễ
    Món chè thường dùng trong các dịp cúng lễ
    Chè đậu trắng
  4. Top 4

    Chè bà ba

    Nghe cái tên đã đậm hương vị miền Nam mảnh đất đầy nắng gió, sông nước. Sở dĩ gọi là chè bà ba vì món ăn này thơm ngon, độc đáo như người con gái đẹp miền Tây mặc chiếc áo bà ba mộc mạc mà vẫn hấp dẫn, đầy cuốn hút lạ kỳ. Món chè này là sự kết hợp của nhiều loại lương thực như khoai lang bí lớn, nấm mèo, khoai môn, rong biển khô kết hợp cùng nhiều loại nguyên liệu tạo nên một món chè hấp dẫn. Món chè này cung cấp khá nhiều năng lượng, đôi khi bạn chỉ cần ăn một bát nhỏ là đủ năng lượng cho cả nửa buổi rồi.


    Chuẩn bị:

    • Sắn (còn gọi là khoai mỳ): 1 củ nhỏ, nếu là củ lớn thì chỉ cần 1 khúc là được.
    • Khoai lang: 2 củ nhỏ. Có thể chọn khoai trắng, khoai tím hay khoai lang vàng đều được.
    • Đậu xanh: 1 bát con. Chọn loại đậu xanh đã chà vỏ để thực hiện
    • Đậu phộng: nửa bát con (miền Bắc gọi đậu phộng là lạc)
    • Hạt sen: nửa bát con. Chọn mua loại hạt sen khô, có thể đã thông tâm hoặc còn tâm.
    • Đường cát: 300 gram. Có thể chọn loại đường cát vàng hoặc đường cát trắng đều được.
    • Nước cốt dừa: 1 lon nước cốt dừa vắt sẵn hoặc 300 ml nước cốt bạn tự vắt.
    • Bột báng: một phần tư bát con. Phần bột này bạn có thể mua sẵn hoặc tự làm.
    • Bột khoai: một phần tư bát con. Phần bột này bạn có thể mua tại các cửa hàng làm bánh
    • Lá dứa: 10 lá. Nên chọn loại lá dứa xanh sẫm, lá già để có mùi thơm nhất.
    • Phổ tai khô: 10 gram (phổ tai khô là một loại rong biển khô chuyên dùng nấu chè)
    • Bột nước cốt dừa: 2 thìa cafe


    Chế biến:

    • Bước 1: Làm sạch nguyên liệu. Đậu xanh, đậu phộng: Ngâm qua đêm cho hạt đậu mềm, nở, ngấm nước. Hạt sen: Rửa sạch rồi ngâm qua nước khoảng 30 phút trước khi nấu. Bột khoai: Ngâm qua đêm tương tự như đậu xanh, đậu phộng. Bột báng: Rửa sạch, ngâm mềm. Có thể ngâm bột báng khoảng 3 tiếng trước khi nấu, không nhất thiết phải ngâm qua đêm. Khoai, sắn: Nạo sạch vỏ sau đó xắt thành những miếng vuông nhỏ. Xắt xong, bạn cho khoai và sắn và ngâm với nước có pha một chút muối. Phổ tai khô: Rửa sạch cho hết bụi và cát. Rửa xong, bạn cắt phần phổ tai này thành những đoạn ngắn rồi vẩy cho ráo nước.
    • Bước 2: Sơ chế nguyên liệu. Đậu phộng: Cho vào một nồi nhỏ sau đó đổ nước xâm xấp mặt đậu, ninh cho tới khi đậu mềm thì vớt ra bát. Đậu xanh: Tương tự như đậu đỏ, cho đậu xanh vào nồi sau đó cho đậu vào ninh. Khi đậu vừa mềm thì bạn múc đậu ra bát, không nên ninh đậu mềm quá. Khoai, sắn: Cho mỗi thứ vào riêng một nồi. Tiếp theo, bạn cho nước vừa đủ và đun khoai và sẵn sôi trong khoảng 5 phút cho khoai và sẵn mềm hơn. Hạt sen: Tương tự như các nguyên liệu trên, bạn cho hạt sen vào nồi rồi hầm cho mềm. Hầm xong, bạn vớt hạt sen ra bát.
    • Bước 3: Nấu chè. Chắt toàn bộ nước đã dùng để ninh/nấu các phần nguyên liệu trên vào một nồi. Tiếp theo, bạn cho thêm vào nồi khoảng 1.5 lít nước lạnh nữa. Trộn đều phần nước trên rồi cho tiếp nước cốt dừa + bột nước cốt dừa vào. Đặt nồi nước này lên bếp và bắt đầu cho khoai lang + sắn + lá dứa ninh cho tới khi chúng mềm hẳn. Khi khoai và sắn đã mềm, bạn từ từ cho đậu xanh + bột báng + hạt sen + đậu phộng + bột khoai vào chung. Vừa đun, bạn vừa khuấy nhẹ đều cho các nguyên liệu chín và ngấm kỹ với nhau. Khi nồi chè đã được, bạn nêm đường cho vừa vị ngọt rồi cho phổ tai vào. Cuối cùng, bạn khuấy kỹ chè một lần nữa rồi tắt bếp.

    Chè bà ba thích hợp để ăn khi nóng hoặc ấm. Món chè này khá cầu kỳ tuy nhiên thì các bước làm lại không hề phức tạp.

    Chè bà ba cho ta liên tưởng đến cô gái miền Tây sông nước
    Chè bà ba cho ta liên tưởng đến cô gái miền Tây sông nước
    Chè bà ba
  5. Top 5

    Chè hạt kê

    Hạt kê có thể cung cấp đầy đủ tất cả vitamin cần thiết cho con người, nhiều nhất là vitamin B1, B2, A,E, Protein, nó tốt không kém thịt cá. Các khoáng chất như vôi, phốt pho, mangan, sắt, đồng,… có rất nhiều so với các thức ăn khác. Nó còn chứa chất lecithine và choline tự do là thứ rất quí để bồi bổ não cho những người làm việc lao tâm, dùng nhiều về tinh thần, lý trí; duy trì tế bào não, tăng cường trí nhớ và làm giảm quá trình lão hóa ở da, rất tốt cho phụ nữ trung niên. Chè hạt kê thơm ngon, bổ dưỡng không chỉ người miền Nam yêu thích mà còn được nhiều người biết đến, đã ăn là "nghiền".


    Chuẩn bị:

    • 200 g hạt kê, 300 g đậu xanh cà không vỏ.
    • 200 g đường phèn, bánh tráng nướng.


    Chế biến:

    • Bước 1: Đậu xanh đãi sạch, ngâm nở mềm trong khoảng 4 tiếng. Hạt kê ngâm mềm trong khoảng 4 tiếng rồi cho vào nồi nấu chín mềm.
    • Bước 2: Sau đó nấu chín nhừ đậu xanh. Cho hạt kê đã nấu vào rồi quậy đều. Tiếp đến cho đường phèn vào nấu tan. Nêm lại có vị ngọt vừa miệng là được.Chè hạt kê ăn nóng với bánh tráng nướng vừa ngọt bùi vừa giòn rụm ngon và lạ miệng.
    Món chè ngon nhất miền Trung
    Món chè ngon nhất miền Trung
    Chè hạt kê
  6. Top 6

    Chè hạt sen

    Hạt sen có vị ngọt, tính bình, có tác dụng chữa một số bệnh như: tiêu chảy, ăn kém, mất ngủ, chậm tiêu, khát do nóng sốt...Hạt sen rất giàu hàm lượng protein, ma-nhê, kali và phốt pho, trong khi đó hàm lượng mỡ bão hòa, natri và cholesterol lại rất thấp nên rất thích hợp với những người có chế độ ăn kiêng. Từ thời xa xưa hạt sen được dùng để chế biến các món trong hoàng cung, chè sen là một trong những món cao lương hồi đó.


    Chè hạt sen nấu đường phèn là món đơn giản nhất, không quá công phu. Cách chế biến khá đơn giản, chỉ cần luộc hạt sen thật mềm, đường phèn nấu tan sau đó cho hạt sen vào nấu cùng. Chè hạt sen không chỉ thanh mát mà còn rất bổ dưỡng, được nhiều người yêu thích.


    Chuẩn bị:

    • Hạt sen tươi: 200 gram.
    • Đường phèn: 30 gram.
    • Nồi nước, chén, ly…


    Chế biến:

    • Bước 1: Luộc hạt sen. Bạn mua hạt sen tươi ở ngoài chợ về đem rửa thật sạch với nước lạnh nhiều lần. Sau đó bạn cho hạt sen vào nồi nước và đặt lên trên bếp luộc hạt sen trong khoảng 10 phút đồng hồ cho hạt sen được mềm.
    • Bước 2: Nấu đường phèn.Bạn tiếp tục đặt một nồi nước khác nên trên bếp và cho đường phèn vào rồi bật bếp đun sôi lên.
    • Bước 3: Đun hạt sen + nước đường phèn. Khi hạt sen đun ở bước 1 đã mềm thì bạn lấy muôi thủng vớt hạt sen sang nồi nước đường phèn và bạn đun cho đến khi thấy sôi lên là được.
    • Bước 4: Thưởng thức món chè hạt sen. Bạn để cho nồi hạt sen nguội hẳn rồi đem đặt vào trong ngăn mát tủ lạnh. Khi nào bạn thích ăn thì chỉ cần lấy muôi và múc hạt sen ra ly hoặc chén rồi cho thêm một ít đá vào dầm cùng thì món chè hạt sen sẽ mát lạnh và thơm ngon hơn mỗi khi thưởng thức.
    Món chè giúp ăn ngon, ngủ ngon
    Món chè giúp ăn ngon, ngủ ngon
    Chè hạt sen
  7. Top 7

    Chè chuối

    Cây chuối được trồng nhiều ở vùng nông thôn Việt Nam, loại quả quen thuộc này điều trị chứng thiếu máu, hỗ trợ hệ tiêu hóa, hỗ trợ tim mạch, bổ sung dưỡng chất, làm đẹp...Với rất nhiều công dụng như vậy món chè chuối là sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn và gia đình. Món chè chuối thơm mềm, thơm ngon béo ngậy của nước cốt dừa khiến ai đã thưởng thức là mê ngay.


    Chuẩn bị:

    • Nửa nải chuối: khoảng 15 quả.
    • Đường: tùy khẩu vị mỗi người.
    • Nước cốt dừa.
    • Lạc


    Chế biến:

    • Bước 1: Sơ chế chuối. Bạn đem chuối bóc bỏ hết vỏ rồi thái thành từng miếng chuối nhỏ vừa ăn.
    • Bước 2: Sơ chế lạc. Bạn tiếp tục cho lạc vào trong chảo rang vàng lên và tách bỏ vỏ rồi giã lạc sơ qua.
    • Bước 3: Nấu nước cốt dừa. Bạn lấy một cái nồi đặt lên trên bếp rồi đổ nước cốt dừa vào trong nồi cùng 2 đến 4 muỗng đường (bạn nào thích ăn ngọt thì có thể cho nhiều hơn còn bạn nào không thích ăn ngọt thì có thể cho ít đi). Sau đó dùng muôi khuấy đều lên cho đến khi sôi thì thôi.
    • Bước 4: Hoàn thành và thưởng thức chè chuối. Bạn cho chỗ chuối đã cắt thành từng miếng nhỏ vừa ăn ở bước 1 vào nồi nước cốt dừa đã đun ở bước 3 rồi đun thêm trong khoảng độ 5 phút nữa thì các bạn thực hiện tắt bếp đi. Sau đó múc chè chuối nước cốt dừa ra chén hoặc ly và cho thêm lạc rang đã giã sơ qua với một chút đá mài vào rồi có thể thưởng thức món chè chuối nước cốt dừa được luôn.
    Món chè đậm đà hương vị quê hương
    Món chè đậm đà hương vị quê hương
    Chè chuối
  8. Top 8

    Chè đậu xanh phổ tai (chè rong biển khô)

    Phổ tai hay còn gọi dưới cái tên thông thường là rong biển, tảo biển. Rong biển chứa thành phần đa dạng những loại vi chất như vitamin C, E, A1, K, B1, B2, B6 cùng với nhiều axit folic, axit niacin và cả axit pantothenic ngoài ra tảo biển còn chứa một số loại như canxi, phôtpho, magie, kẽm, sắt.


    Trong rong biển chứa nhiều dưỡng chất như vậy rất tốt cho sức khỏe, ngoài ra còn có chất chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa ở da. Rong biển kết hợp với đậu xanh thanh mát, thanh nhiệt cơ thể, hạ hỏa nóng trong người.


    Chuẩn bị:

    • Rong biển: 50g
    • Đậu xanh: 100g
    • Đường phèn.
    • Vani: 1 ống.


    Chế biến:

    • Bước 1: Sơ chế rong biển. Lá rong biển tươi bạn có thể tìm mua trong siêu thị hoặc các cửa hàng bán thực phẩm Hàn Quốc cũng có bán. Rong biển bạn đem ngâm trong nước có pha với muối loãng rồi rửa cho sạch nhớt, sau đó vớt ra để ráo, xắt sợi khúc khúc. Đậu xanh bạn có thể mua loại đã được làm sạch vỏ. Đậu mua về đem ngâm với nước ấm khoảng 2 tiếng đồng hồ cho nở. Sau đó bạn vớt đậu ra rổ để cho ráo nước.
    • Bước 2: Hấp đậu xanh. Bước tiếp theo cho đậu vào nồi cơm điện hấp cho chín mềm. Sau đó bạn bắc một cái nồi lên bếp, cho nước và đường phèn đun lên, khuấy đều cho đường tan hết. Sau đó thì cho đậu xanh đã hấp chín ở trên vào chung, dùng đũa trộn đều lên rồi tắt bếp. Tiếp sau đó cho vào 1 ống vani để tạo hương thơm cho chè.
    • Bước 3: Cách nấu chè rong biển. Để một lúc cho nồi chè nguội thì bạn cho rong biển vào, khuấy đều lên. Nhớ đừng cho rong biển vào khi chè còn nóng vì như thế sẽ làm sợi rong biển bị nhũn ăn sẽ mất độ giòn ngon.
    • Bước 4: Trình bày và thưởng thức. Cuối cùng thì bạn múc chè ra chén, bạn có thể cho thêm vào chè đá bào để tăng thêm hương vị. Vậy là chúng ta đã có thể thưởng thức một chén chè tươi mát lạnh.
    Món chè ngon nhất từ rong biển
    Món chè ngon nhất từ rong biển
    Chè đậu xanh phổ tai
  9. Top 9

    Chè kho

    Chè kho là món ăn đặc sản của người Hà Nội, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, trên mâm thờ tổ tiên của người Hà thành truyền thống nhất định phải có món ăn này. Ngày mùng một cùng nhau ngồi tán chuyện, nhâm nhi tách trà sen, ăn miếng chè kho thì thật là hết ý. Món chè kho mang cả cái hồn, cái tinh túy của ẩm thực làng quê Việt. Hương vị thơm ngon, ngọt ngọt của chè kho khiến ai cũng thích thú khi thưởng thức.


    Điều đặc biệt ở món chè này là không có nước, đậu xanh nấu nhuyễn cùng đường cho vào khuôn ép lại và rắc vừng rang lên trên. Món chè này có thể sử dụng tới vài ngày, mà không nhanh bị ôi thiu.


    Chuẩn bị:

    • Gạo nếp: 600 gram. Chọn loại nếp mới, hạt đều và mẩy. Không nên chọn phần hạt nếp có nhiều đầu đen. Tốt nhất, bạn nên chọn loại nếp cái hoa vàng.
    • Đường: 300 gram. Để nấu chè kho thì loại đường bạn cần có sẽ là đường đỏ. Nếu bạn chọn loại đường khác thì sẽ không nấu thành món chè kho.
    • Gừng: 1 củ. Chọn loại gừng vừa già, không già quá vì dễ bị xơ nhưng cũng không được non quá.
    • Dầu mè: 10 ml. Có thể thay dầu mè bằng các loại dầu ăn khác nhưng thường dầu mè thì sẽ ngon hơn.
    • Muối ăn: 1/3 muỗng cafe
    • Bên cạnh phần nguyên liệu thì những loại dụng cụ bạn cần để nấu chè kho sẽ bao gồm: chõ xôi, nồi nấu, khuôn xôi…


    Chế biến:

    • Bước 1: Đồ xôi. Vo sạch gạo nếp, nhặt sạch bụi, sạn sau đó đem ngâm từ 6 – 8 tiếng cho nếp nở. Để tiết kiệm thời gian thì bạn có thể chọn cách ngâm gạo nếp qua đêm. Sau khi ngâm xong, bạn vo gạo một lần nữa, vẩy cho ráo nước rồi đem xóc kỹ với phần muối đã chuẩn bị. Thực hiện xong, bạn cho gạo vào đồ chín thành xôi trắng. Sau khi xôi chín, bạn mở chõ xôi rồi dùng đũa xới đều. Tiếp theo, bạn xối kỹ dầu mè với xôi sau đó cho đồ xôi thêm khoảng 3 – 5 phút nữa. Cuối cùng, bạn nhấc chõ và cho xôi ra ngoài để tránh việc xôi bị nhão.
    • Bước 2: Nấu chè kho. Gừng tươi: Rửa sạch vỏ gừng để loại bỏ đất cát bám vào các khe mắt của củ. Tiếp theo, bạn gọt sạch vỏ rồi thái chỉ gừng hoặc thái thành lát nhỏ, không được băm. Nấu nước đường: Đường đỏ bạn cho vào nồi cùng với khoảng 300 – 350 ml nước lọc. Khuấy cho tan phần đường này sau đó đặt lên bếp. Đun nước đường với mức lửa nhỏ để đường không bị cháy, không trào. Khi nước đường đã sôi và tan hết, bạn cho ½ chỗ gừng đã thái vào khuấy đều. Khuấy xong, bạn hạ nhỏ lửa để nồi nước chỉ còn sôi lăn tăn. Lúc này, bạn sẽ chuẩnbij xôi để cho vào khuấy. Nấu chè kho: Xới đều cho tơi xôi một lần nữa rồi từ từ cho toàn bộ chỗ xôi này vào nồi nước đường. Dùng đũa khuấy cho thật kỹ để xôi quyện đều với đường. Sau khi xôi và đường đã ngấm với nhau, xôi có màu vàng nâu thì bạn cho tiếp chỗ gừng còn lại vào và tắt bếp.
    Món chè có cách làm kỳ lạ nhất
    Món chè có cách làm kỳ lạ nhất
    Chè kho
  10. Top 10

    Chè bột lọc thịt heo quay

    Món chè độc đáo này xuất xứ từ cố đô Huế, người Huế dùng thịt heo quay làm nhân bánh bột lọc. Sự kết hợp của bột lọc dai dai và thịt heo quay béo ngậy mặn mặn tạo nên một món chè với hương vị rất đặc biệt. Chè bột lọc bọc thịt quay này tùy theo sở thích có thể cho ngọt nhiều hoặc ngọt ít theo khẩu vị của gia đình, nhưng không nên nấu ngọt quá để khi ăn chè vẫn cảm thấy vị mằn mặn của thịt quay, vị ngọt thanh của nước chè đường thơm mùi gừng, khi ăn chè xong vẫn còn dư vị béo béo dai dai của thịt và bột trong miệng, làm cho người ta liên tưởng đến "sông Hương núi Ngự".


    Chuẩn bị:

    • Bột năng 150 gr
    • Muối 1/2 muỗng cà phê
    • Đường trắng 1 muỗng cà phê
    • Dầu ăn 1 muỗng canh
    • Nước sôi 80 ml
    • Nhân heo quay
    • Thịt heo quay 150 gr
    • Đường trắng 50 gr
    • Nước chè
    • Nước 600 ml
    • Muối 1/2 muỗng cà phê
    • Đường phèn 100 gr
    • Lá dứa 30 gr
    • Gừng 20 gr


    Chế biến:

    • Bước 1. Cách làm nhân heo quay cho món chè thịt heo quay: heo quay mua về cắt hạt lựu nhỏ, chuẩn bị 1 nồi nước sôi, cho heo quay vào luộc 5 phút để khử mùi. Sau khi luộc vớt ra để ra để thật ráo nước.
    • Bước 2. Bắc chảo lên bếp, cho heo quay vào chảo, thêm 50gr đường trắng rồi xào đều tay cho đường tan. Để lửa nhỏ rim đến khi đường keo vào thịt heo quay, khô ráo thì tắt bếp.
    • Bước 3. Cách làm phần vỏ bột lọc: cho vào tô 150gr bột năng, 1/2 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê đường và 1 muỗng cà phê dầu ăn, trộn đều tô bột. Đun nước sôi, cho từ từ 80ml nước vào tô, vừa cho vừa khuấy đều đến khi không còn bột khô. Dùng tay nhào đến khi tạo thành một khối bột mịn. Chia bột ra thành nhiều phần nhỏ, se bột thành khối dài rồi cắt ra thành những miếng nhỏ. Vo viên tròn từng miếng bột sau đó ấn dẹt, múc 1 phần vừa đủ nhân heo quay vào giữa rồi gói lại chặt tay.
    • Bước 4. Đun sôi 1 nồi nước, cho những viên bột lọc bọc heo quay vào luộc 30 phút, sau đó tắt bếp, đậy nắp nồi và ủ thêm 15 phút nữa thì vớt ra, xả bột lọc qua nước lạnh cho sạch nhớt.
    • Bước 5. Nấu nước chè heo quay gồm: 600ml nước, 1/2 muỗng cà phê muối, 100gr đường phèn, 30gr lá dứa. Khi đường tan hết, nước chè sôi lên thì cho bột lọc cùng 20gr gừng thái sợi vào nồi, khuấy đều và đun thêm 10 phút nữa thì tắt bếp.
    • Bước 6. Chè bột lọc heo quay ở Huế với những viên bột lọc trong suốt dai dai bọc lấy nhân heo quay ngọt béo, ngấm trong nước đường phèn ngọt thanh, thơm mùi gừng cay và thoang thoảng mùi lá dứa. Ăn chè heo quay lúc nóng, rắc thêm chút mè rang sẽ giúp hương vị món chè được giữ trọn vẹn, thích hợp cho những bữa tối mùa đông thời tiết se se lạnh. Ngoài ra khi kết hợp với đá, sẽ khiến ly chè thịt heo quay trở nên thanh mát, là món ăn giải khát chống nóng cũng rất là hợp lý đó.
    Món chè lạ có 2 vị mặn ngọt
    Món chè lạ có 2 vị mặn ngọt
    Chè bột lộc heo quay
  11. Top 11

    Chè thập cẩm

    Hương thơm thoảng dịu và vị ngọt ngào của những món chè luôn khiến những người hảo ngọt “mê mệt”. Dù ở bất cứ vùng miền nào, bạn cũng có sẵn nguyên liệu để học cách nấu món chè thơm ngon, ngọt mát để chiêu đãi cả nhà.


    Chuẩn bị:

    • Nửa củ khoai môn cao: gọt vỏ, rửa sạch và cắt miếng vuông
    • 3 củ khoai lang: gọt vỏ, rửa sạch và cắt khúc
    • 250g bột báng: ngâm nở trước lúc nấu khoảng nửa tiếng
    • 150g đậu đỏ: ngâm đậu đỏ qua đêm cho mềm
    • 300ml nước cốt dừa đóng hộp
    • 350g đường kính trắng.


    Chế biến:

    • Bước 1: Cho bột báng đã ngâm vào nồi, nấu khoảng 20 phút cho bột chuyển sang màu trong. Sau khi bột báng chín, cho ngay ra rổ, xả nước lạnh và cho vào ngăn mát tủ lạnh.
    • Bước 2: Nấu đậu đỏ với nước vừa ngập mặt hoặc có thể đong 1 lon đậu: 1 chén nước.
    • Bước 3: Khi đậu đỏ mềm, cho khoai môn vào. Nấu khoảng 15 phút, khoai môn mềm, cho tiếp khoai lang vào nồi.
    • Bước 4: Cho đường vào nồi khoai, đậu khuấy đều và nấu thêm khoảng 15 phút. Sau đó cho bột báng vào, khuấy thêm lần nữa và tắt bếp.
    • Bước 5: Múc món chè ra bát, cho nước cốt dừa lên mặt và thưởng thức.
      Chè thập cẩm
      Chè thập cẩm
      Chè thập cẩm
    • Top 12

      Chè xoài

      Chè xoài ngọt mát với vị chua chua từ xoài, dẻo mềm của bột báng, và thú vị hơn cả là nhâm nhi vài miếng xoài tươi thơm mát, ngon ngọt giúp các thành viên trong gia đình giải nhiệt ngày hè.


      Chuẩn bị:

      • 1 miếng dưa hấu: dùng dụng cụ múc trái cây chuyên dụng, múc thành từng viên tròn.
      • 3 trái xoài chín: cắt làm đôi, dùng dụng cụ múc trái cây chuyên dụng, múc xoài thành từng viên tròn
      • 8 quả dâu tây: bỏ cuống và cắt làm bốn.
      • 15g hạt é đã ngâm nở
      • 15g bột báng: ngâm nở trước lúc chế biến khoảng nửa tiếng
      • 30ml sữa đặc
      • Nước cốt dừa đóng hộp
      • 15ml siro trái cây
      • Một ít sợi dừa bào
      • 350g đường kính
      • Đá bào


      Chế biến:

      • Bước 1: Nấu bột báng đã ngâm với nước trong khoảng 20 phút. Khi bột chuyển sang màu trong bạn vớt ra, xả với nước lạnh và cho vào ngăn mát.
      • Bước 2: Múc một muỗng bột báng, 1 muỗng hạt é và gắp các nguyên liệu còn lại mỗi thứ một ít vào ly. Sau cùng cho đá bào lên trên mặt, chan nước cốt dừa và ít siro trái cây lên mặt đá. Lưu ý: Khi dùng bạn múc một ít hạt trân châu nhỏ, thêm hạt é, xếp vài lát dâu tây, dưa hấu và xoài lên bề mặt, rưới một ít sữa đặc và nước cốt dừa, cuối cùng cho dừa bào sợi và thêm đá bào, trộn đều lên. Dùng món chè khi còn lạnh sẽ ngon hơn.
      Chè xoài
      Chè xoài
      Chè xoài
    • Top 13

      Chè bắp

      Nếu bạn đã từng ăn chè bắp thì chắc hẳn sẽ biết chè bắp ngon như thế nào. Chén chè khá đẹp mắt với những hạt bắp vàng ươm, vị giòn ngọt hấp dẫn, nước chè hơi đặc, vị ngọt dịu và thoang thoảng mùi bắp thơm, kết hợp với nước cốt dừa béo ngậy, không chỉ ngon mà còn nhiều dưỡng chất. Mùa hè sắp đến rồi, ngay sau đây hãy cùng vào bếp học cách nấu chè bắp ngon ngọt, dẻo thơm!


      Chuẩn bị:

      • 10 trái bắp nếp: bào nhỏ và giữ lại cùi
      • 150g bột sắn dây
      • 200g đường
      • 200ml nước cốt dừaÍt muối và bột bắp


      Chế biến:

      • Bước 1: Cho bắp và cùi bắp vào nồi nước, nấu đến khi nước sôi, bắp nở thì vớt cùi ra ngoài.
      • Bước 2: Cho đường vào nồi, đun nhỏ lửa để ngô thấm vị ngọt của đường.
      • Bước 3: Từ từ cho nước bột bắp vào nồi chè. Sau đó khuấy đều, nêm độ ngọt vừa phải và tắt bếp. Khi dùng, chan nước cốt dừa lên trên mặt chén chè.
      Chè bắp
      Chè bắp
      Chè bắp
    • Top 14

      Chè sâm

      Chuẩn bị vào đầu mùa hè, một chén chè sâm mát lạnh sau ngày làm việc mệt nhọc sẽ giúp bạn thư giãn và thoải mái.


      Chuẩn bị:

      • 100g các loại: hạt sen khô, nho khô, táo đỏ
      • 60g nhãn nhục (long nhãn): rửa sạch bẩn bên ngoài (nếu có)
      • 1 muỗng canh bột rau câu
      • 250g đường


      Chế biến:

      • Bước 1: Đun mềm hạt sen.
      • Bước 2: Hòa ít nước với bột rau câu, khuấy tan và đem nấu sôi. Sau đó cho vào khay, đợi nguội và để vào tủ lạnh.
      • Bước 3: Dùng ít đường tạo caramen vừa đủ độ vàng sậm, không khét đắng. Sau đó cho nước vào nấu với số đường còn lại.
      • Bước 4: Khi nước đường sôi, cho táo và nhãn nhục vào nấu cùng để cả hai nở đều trong nước sôi.
      • Bước 5: Cho tiếp phần hạt sen vào, nấu thêm khoảng 10 phút và tắt bếp. Khi dùng, múc chè ra ly, cho thêm rau câu và dùng chung với đá.
      Chè sâm
      Chè sâm
      Chè sâm
    • Top 15

      Chè Thái

      Chè Thái từ lâu đã trở thành một phần độc đáo của ẩm thực đường phố Sài Thành không thể thiếu vào mùa hè. Ly chè Thái được người Sài Gòn ưa thích bởi có vị sầu riêng thơm nức vị. Đếm sơ sơ, có thể tới một chục loại ăn kèm trong ly chè độc đáo này: nào là sầu riêng, mít tươi, hạt thốt nốt, nhãn, nước cốt dừa, sữa đặc có đường, các loại thạch nhiều màu khác nhau… Quả là một món ăn chơi ngon mát tổng hợp bách vị nhân gian tuyệt vời phải không các bạn.


      Chuẩn bị:

      • 200g các loại trái cây: mít, nhãn, vải, nho, chôm chôm (tất cả đều bỏ vỏ và lấy thịt)
      • 30g mỗi loại: thạch dừa, dừa non
      • 1 lít sữa tươi không đường
      • 200g đường
      • Nước cốt dừa
      • 2 muỗng cà phê bột rau câu
      • 800ml nước
      • 50g đường
      • Ít siro dứa


      Chế biến:

      • Bước 1: Hòa bột rau câu tan trong nước và nấu sôi với đường. Khi múc ra khay, cho ít siro dứa vào khuấy đều và để rau câu tự đông.
      • Bước 2: Đun tan đường và cho vào ngâm với dừa non, để qua đêm (Phần này nên làm trước để tiết kiệm thời gian chế biến)
      • Bước 3: Cho sữa tươi và đường vào khuấy đều. Sau đó đem nấu cùng phần nước cốt dừa đã chuẩn bị để có phần nước chè béo ngậy. Khi dùng, cho các nguyên liệu vào ly, rót thêm nước dừa và cho đá bào vào ăn cùng.
      Chè Thái
      Chè Thái
      Chè Thái



    Công Ty cổ Phần Toplist
    Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
    Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
    Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
    Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
    Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy