Taj Mahal (Agra, Ấn Độ)
Taj Mahal là một công trình lăng mộ làm bằng đá cẩm thạch trắng ngà ở lưu vực nam sông Yamuna (một nhánh của sông Hằng) thuộc thành phố Agra, Ấn Độ. Công trình được vua Shah Jahan cho xây dựng để tưởng nhớ người vợ thân yêu đã qua đời. Thiết kế của công trình được lấy cảm hứng từ chính chuyện tình của vua Shah Jahan. Điểm đặc biệt nhất của Taj Mahal chính là khả năng thay đổi màu sắc bên ngoài công trình: Vào buổi sáng, tòa nhà có ánh hồng, sau đó chuyển sang trắng sữa vào buổi chiều và vàng vào buổi tối khi trăng lên. Sự thay đổi màu này được cho là tượng trưng cho tâm trạng thay đổi của hoàng hậu của vua Shah Jahan.
Với thiết kế đáng kinh ngạc, Taj Mahal được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1983 và được ca ngợi là viên ngọc của nghệ thuật Hồi giáo Ấn Độ và kiệt tác di sản thế giới được công nhận rộng rãi. Năm 2007, Taj Mahal cũng được bình chọn là một trong 7 kỳ quan mới của thế giới. Trung bình mỗi năm công trình này đón 7-8 triệu lượt khách du lịch. Du khách khi đến đây sẽ không khỏi choáng ngợp với kiến trúc trong lăng được trang trí bằng nhiều tấm thảm khảm ngọc, có những đường viền được chạm khảm bằng 12 loại đá quý. Điểm nổi bật nhất nơi đây chính là sàn nhà bằng đá cẩm thạch chia ô bàn cờ đen và trắng. Trên các lối đi thì lại có cổng tò vò được khắc những dòng kinh Côran, gây ấn tượng mạnh cho du khách.
Lăng Taj Mahal sở hữu và là nơi phát triển nhiều truyền thống kiến trúc, đặc biệt là kiến trúc Hindu, Ba Tư và kiến trúc Mogul trước đó. Một số cảm hứng đặc trưng lấy từ một số công trình Timur và Mogul đã thành công trước đó. Chúng gồm Gur-e Amir (mộ của Timur, người khởi lập triều Timur, tại Samarkand), Mộ của Humayun, Mộ Itmad-Ud-Daulah(thỉnh thoảng được gọi là Baby Taj), và chính Jama Masjid của Shah Jahan tại Delhi. Dưới sự bảo trợ của ông, công trình Mogul đã đạt tới đỉnh cao hoàn thiện mới. Trong khi các công trình Mogul chủ yếu được xây bằng đá sa thạch đỏ, Shah Jahan đã ủng hộ việc sử dụng đá cẩm thạch trắng được khảm các loại đá bán quý khác.
Các thợ thủ công Hindu, đặc biệt là các nhà điêu khắc và thợ đá, đã mở rộng phạm vi buôn bán ra toàn châu Á vào thời điểm đó, và tài nghệ của họ được những người chịu trách nhiệm xây lăng mộ lưu tâm tìm kiếm. Tuy kiến trúc cắt đá là đặc điểm chủ yếu của những công trình xây dựng ở thời kỳ đó nhưng nó lại ít ảnh hưởng tới Taj Mahal (chạm khắc chỉ là một hình thức của yếu tố trang trí), các công trình Ấn Độ khác như cung điện Man Singh tại Gwalior là một nguồn cảm hứng cho hầu hết kiến trúc cung Mogul và cũng là nguồn cảm hứng của đài kỷ niệm chhatris bên trong Taj Mahal.